Thời gian gần đây, trên mạng xã hội (MXH) xuất hiện một ý kiến rằng “Tết 2024 không nên cúng Giao thừa vì ngày xấu”, quan điểm này ngay lập tức đã tạo nên một làn sóng tranh cãi dữ dội. Bạn nghĩ sao về ý kiến này? Cùng tìm hiểu thực hư về vấn đề này trong bài viết dưới đây.
1. Nguồn gốc quan điểm “Tết 2024 không nên cúng Giao thừa vì ngày xấu” trên MXH
Những ngày gần đây, mạng xã hội (MXH) bỗng xuất hiện những video chia sẻ về vấn đề “Tết 2024 không nên cúng giao thừa vì ngày xấu” hoặc “do cổng năng lượng không tốt”. Quan điểm này vừa đưa ra đã lập tức khiến cộng đồng mạng xôn xao và bàn luận rôm rả với nhiều luồng ý kiến khác nhau.
Cụ thể, một tài khoản MXH tên C.N đã đăng tải video chia sẻ nội dung như sau: “Năm 2024 này các bạn không nên cúng Giao thừa nha, bởi vì năm nay là năm chuyển giao chuyển vận, chuyển từ vận 8 qua vận 9, là năm KHÔNG VONG. Cái vòng năng lượng của những ngày cuối năm trong vận cuối này rất là xấu, vì vậy chúng ta không nên cúng Giao thừa. Vì vậy có rất nhiều chuyện chúng ta không ngờ sẽ xảy ra, những tai ương và kinh tế suy thoái. Bởi vậy chúng ta không nên cúng Giao thừa, không nên đón năng lượng xấu trong năm nay. Hơn nữa, ngày Giao thừa năm nay rơi vào ngày Giáp Thìn, Thìn Thìn Giáp Giáp, Thìn Thìn cũng là KHÔNG VONG trong đêm Giao thừa cho nên chúng ta không nên cúng Giao thừa”.
Ngoài ra, phần sau của video này còn chia sẻ thêm về việc “Nên cúng Giao thừa vào ngày nào?” rằng: “Các bạn có thể cúng Giao thừa vào ngày Đông chí, nhưng rất tiếc Đông chí đã qua rồi. Các bạn nào muốn cúng Giao thừa quá thì có thể chọn vài ngày trước đó, như ngày 25 hoặc ngày 27 để cúng Giao thừa và thắp nhang trên bàn thờ tổ tiên”.
Một tài khoản MXH khác cũng đăng tải nội dung tương tự như sau: “Năm nay nghênh Thái Tuế hay chào năm mới thì chị B. cũng sẽ bỏ qua công đoạn Giao thừa. Năm nay chị B. không cúng Giao thừa, còn tùy mọi người nhé […] Ngày mùng 1, mùng 2 gọi là ngày Thập ác, không được việc gì cả. Các bạn nhớ lại năm 2021 không, chị B. cũng nói tới ngày 14 là ngày tốt, những người mở hàng trong năm ấy là bị Covid liểng xiểng hết”.
2. Cúng Giao thừa vào ngày xấu có sao không?
Vậy nếu cúng Giao thừa vào ngày xấu thì có sao không? Bạn nghĩ sao về những quan điểm bên trên? Xin chưa tạm bàn về vấn đề đúng sai vì nó còn phụ thuộc vào niềm tin và quan điểm của mỗi người.
Tuy nhiên, từ xưa tới nay, Giao thừa luôn là khoảnh khắc thiêng liêng và cúng Giao thừa đã là một nét đẹp văn hóa khắc sâu trong tâm khảm mỗi người Việt để bày tỏ sự thành tâm trước tổ tiên, thần linh và trời đất.
Bởi đây là giây phút cả gia đình tề tựu, sum vầy bên nhau sau một năm bận rộn, có khi còn là mỗi người mỗi ngả vì cuộc sống mưu sinh, cùng nhau khép lại năm cũ, mở ra năm mới, đồng thời gửi gắm những ước mơ và hy vọng trong năm mới. Hơn nữa, khoảnh khắc chuyển giao đó còn là lúc người ta có thể rũ bỏ mọi muộn phiền trước đó, thêm cơ hội để làm lại những gì chưa tốt, hướng tới những điều tốt lành hơn.
Vì lẽ đó, gần như ai cũng mong ngóng và khao khát cái khoảnh khắc linh thiêng của đêm Giao thừa. Ai mà chẳng muốn năm mới mình có được những điều mới mẻ và tốt đẹp hơn.
Thực chất từ trước tới nay, ý nghĩa thiêng liêng của lễ cúng Giao thừa không nằm ở việc đó là ngày tốt hay xấu, mâm cúng to hay nhỏ, gia đình có điều kiện kinh tế hay không… mà nó đến từ khoảnh khắc cả gia đình quây quần bên mâm cỗ cúng, dâng hương kính cẩn cầu khấu bên cạnh cành mai cành đào, cây quất để xin cho gia đạo bình an, một năm mới dồi dào sức khoẻ, tài lộc may mắn. Đó là hình ảnh đẹp đẽ tiếp thêm bao động lực cho mọi người dốc lòng vì một năm phía trước tốt đẹp hơn.
Lịch âm dương phân chia ngày tốt – ngày xấu không phải để ngăn cản người ta làm việc gì đó, mà để nhắc nhở mọi người chú ý hơn, giúp vận trình và công việc được diễn ra suôn sẻ hơn.
Do đó, không thể vì Giao thừa rơi đúng vào ngày xấu mà bỏ luôn cả một nghi thức được coi là đẹp nhất và quan trọng nhất trong mỗi dịp Tết đến Xuân về, đánh dấu một năm mới nữa lại tới.
Hơn nữa, cúng Giao thừa còn được gọi là lễ trừ tịch, tức là giúp xua đi những điều không tốt và đón điều may mắn đến với gia đình. Bên cạnh đó còn thể hiện lòng thành của con cháu trong nhà đối với tổ tiên, thần linh đã luôn che chở và đỡ đần cả gia đình.
Theo quan niệm dân gian, nếu không cúng Giao thừa thì gia chủ sẽ không được thần linh, tổ tiên chứng giám, sang năm mới mọi việc sẽ không như ý. Do đó, việc cúng Giao thừa là điều không thể thiếu để mọi sự hanh thông.
Tất nhiên, việc cúng Giao thừa hay không vẫn phụ thuộc vào lựa chọn và quyết định của mỗi gia đình. Vấn đề này đến từ niềm tin tâm linh nên sẽ có người tin người không, nhưng niềm tin vốn có sức mạnh lớn lao có thể thay đổi cả cuộc đời. Nếu có niềm tin tích cực về tương lai thì ắt cuộc sống cũng sẽ có những tín hiệu tốt lành dành cho bạn.
Việc cúng kiếng mang nhiều ý nghĩa tâm linh cầu mong sự bình an, nhiều may mắn, sức khỏe và tài lộc. Vậy nên nếu bạn đang thắc mắc: “cúng Giao thừa vào ngày xấu có sao không”, hay thậm chí “không cúng Giao thừa có sao không”?
Câu trả lời đó là KHÔNG. Nếu trong dịp Giao thừa quý gia chủ bận việc đột xuất hay không thể cúng Giao thừa thì vẫn không sao.
Dù ngày xấu hay ngày tốt, cúng Giao thừa hay không cúng Giao thừa, một năm mới vẫn sẽ đến. Không khí đoàn viên và tính linh thiêng của đêm Giao thừa mang lại cho mọi người cảm giác ấm áp, gắn kết và hy vọng – đó mới là điều quan trọng hơn cả.
Mỗi một phong tục, tập quán sẽ có sự thay đổi để thích ứng với thời đại, nhưng cũng có những tập tục sẽ còn sống mãi trong tâm thức của người dân. Dù ở thời đại nào, phong tục tập quán cũng là sự phản ánh của văn hoá, là thứ níu giữ người ta gắn chặt với lịch sử, để biết rằng hiện tại ta ở đâu, là ai và viết tiếp những ngày tương lai như thế nào. Và cúng Giao thừa chính là một trong những truyền thống tốt đẹp từ bao đời của dân tộc.
Xem thêm: Cúng giao thừa trong nhà hay ngoài trời trước – Ý kiến chuyên gia
3. Cúng Giao thừa Tết 2024 vào ngày nào, giờ nào tốt nhất?
Giao thừa Tết âm lịch năm 2024 sẽ diễn ra vào ngày 30 tháng Chạp năm Quý Mão, tức là thứ 6 ngày 9/2/2024 dương lịch.
Chúng ta sẽ đón khoảnh khắc chuyển giao sang năm mới Giáp Thìn vào đúng 0h Thứ 7 ngày 10/2/2024 dương lịch, tức lúc 0h ngày 1/1 năm Giáp Thìn.
Theo các chuyên gia phong thuỷ, thời điểm tốt nhất để cúng giao thừa năm Giáp Thìn 2024 nên được tiến hành vào giờ Tý, tức là từ 11 giờ đêm ngày cuối cùng của năm cũ (30 tháng Chạp) đến 1 giờ sáng mùng 1 Tết hoặc vào giờ chính Tý (0 giờ đêm) và kết thúc trước 1 giờ sáng ngày mùng 1 Tết theo âm lịch.
Đây cũng chính là thời khắc Giao thừa, là lúc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới vô cùng thiêng liêng. Do đó, việc cúng giao thừa vào thời điểm này sẽ mang lại cho gia chủ nhiều may mắn nhất.
Như vậy, chúng ta có thể tiến hành nghi lễ cúng giao thừa năm Giáp Thìn 2024 bắt đầu từ lúc 11 giờ đêm cho đến 1 giờ sáng chứ không nhất định phải thực hiện vào đúng 0 giờ.